Hội nghị Năng lượng tái tạo 2023: Cơ hội song hành cùng thách thức
VHO- Chiều ngày 30.6, tại TP.HCM, tạp chí Forbes Việt Nam (ấn phẩm của Báo Văn Hóa) đã tổ chức hội nghị Năng lượng tái tạo 2023 với chủ đề “Cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo”. Hội nghị có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành và nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng để cùng trao đổi về các cơ hội và thách thức, triển vọng đầu tư cũng như những kinh nghiệm thực tiễn khi đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Vũ, TBT Báo Văn Hóa cùng các diễn giả trong phiên thảo luận "Kinh nghiệm từ các nhà đầu tư tiên phong"
Năng lượng tái tạo là xu thế, nhưng…
Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050. Một trong các trọng tâm của chương trình hành động là phát triển năng lượng xanh, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo phát triển bền vững. Vào trung tuần tháng 5.2023 Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió. Cùng với đó, Việt Nam được xem là quốc gia có lợi thế tự nhiên để phát triển phong điện và quang điện cũng như tiềm năng lớn về điện sinh khối từ một nước sản xuất nông nghiệp. Không gian phát triển mới của ngành năng lượng đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Qua đó thấy được cơ hội cho ngành là rất nhiều, nhưng lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thiếu sự đồng bộ về cơ chế chính sách, đòi hỏi các bên cần chung tay thúc đẩy với lộ trình có mục tiêu rõ ràng…
Trong tham luận chính có chủ đề “Mỏ vàng năng lượng tái tạo”, ông Hà Đăng Sơn, phó giám đốc chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) – USAID, đã phác thảo bức tranh về tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng như các cơ hội và thách thức. Ông cho biết, Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, với tốc độ gió trung bình 7 m/s, tại nhiều khu vực phía Nam bức xạ mặt trời cao trung bình đạt 1.387-1.534 kWh/kWp/năm thích hợp phát triển phong điện và điện quang. Ngoài lợi thế về gió và bức xạ mặt trời, Việt Nam là đất nước nông nghiệp nên có tiềm năng về phát triển điện sinh khối. “Cơ hội đầu tư với năng lượng tái tạo đang rộng mở. Quy hoạch Điện VIII đã nêu rõ công suất của điện gió ngoài khơi lên mức 6.000 MW, điện mặt trời mái nhà mức 2.600 MW vào năm 2030”, ông Hà Đăng Sơn nhấn mạnh. Cùng với đó, các giải pháp về năng lượng tái tạo cũng đang tiếp tục giảm giá trên toàn cầu. Điều này giúp chi phí đầu tư cho điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời có sức cạnh tranh hơn với các nguồn truyền thống và đã tiệm cận với thủy điện, nguồn có mức đầu tư rẻ nhất hiện nay. Trong khi đó, mối quan tâm của cộng đồng về việc sử dụng năng lượng xanh, sạch ngày càng cao ở cả khối công và tư.
Song hành với những cơ hội, theo ông Sơn, vẫn còn những vấn đề cốt lõi tạo nên thách thức cho việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cần có các chính sách, quy hoạch mang tính chất chiến lược, lâu dài và minh bạch để giúp các doanh nghiệp xác định được lộ trình đầu tư dài hạn. Thứ hai, cần phải đưa ra những cơ chế chính sách thúc đẩy vì năng lượng tái tạo là ngành công nghiệp mới đòi hỏi sự quan tâm hơn. Bởi lẽ sau bước phát triển thần kỳ giai đoạn trước, Việt Nam dường như đang bị chậm lại trong khi các nước khác lại đang vươn lên mạnh mẽ. Thứ ba là tài chính, đây cũng là vấn đề lớn vì không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà còn liên quan đến cơ chế huy động vốn, phương thức chi trả, giá cả và hợp đồng mua bán điện. Một thách thức khác cũng được đề cập đến là Quy hoạch Điện VIII đã phê duyệt nhưng danh mục lĩnh vực năng lượng tái tạo chưa được làm rõ, trong khi đặc thù đầu tư vào ngành là mang tính cục bộ, có tính vùng miền nhất định đồng thời bắt buộc tối ưu hóa truyền tải để giải tỏa công suất.
Cơ hội lớn cho “mỏ vàng năng lượng”
Chính sách thí điểm khuyến khích phát triển điện mặt trời và điện gió đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất thế giới giai đoạn 2018-2022. Chính vì thể, để có cái nhìn tổng quát hơn về vấn đề đầu tư vào năng lượng tái tạo, trong phiên thảo luận “Kinh nghiệm từ nhà đầu tư tiên phong” các khách mời đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn từ trải nghiệm đầu tư vào lĩnh vực này. Tham gia đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo 14 năm trước, Vũ Phong là công ty đã thực hiện hơn 100 dự án điện mặt trời trang trại và áp mái trên toàn quốc. Theo ông Phạm Đăng An, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong ENERGY (Tập đoàn Năng lượng Vũ Phong), lý do khiến Vũ Phong hiện chỉ tập trung vào điện áp mái đến từ quan sát thị trường giai đoạn tăng trưởng nóng hồi năm 2019. Vũ Phong nhìn lại thị trường và nhìn thấy rủi ro từ hệ thống lưới truyền tải có thể không đáp ứng, nên từ bốn năm trước, công ty này chỉ tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo cho các nhà máy sản xuất. Và đến nay, công ty đã thành công và đang phát triển bền vững với hướng đi này.
Các diễn giả chia sẻ tại phiên thảo luận thứ hai "Dòng vốn quốc tế"
Các khách mời cũng mang đến hội nghị những cái nhìn khách quan nhất về nguồn năng lượng mà công ty của họ đang đẩy mạnh đầu tư, cũng như những nhìn nhận về “mỏ vàng năng lượng” tại Việt Nam. Theo ông Supa Waisayarat, giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Super Energy, điện gió ngoài khơi tại Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên đây là lĩnh vực đầu tư không chỉ cần vốn lớn mà còn đòi hỏi kỹ năng quản trị, kinh nghiệm vận hành cũng như sự am hiểu về kỹ thuật cao. Còn theo ông Đặng Quốc Toản, tổng giám đốc công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á (Asia Petroleum Energy), yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của ngành là chính sách. “Việt Nam là tâm điểm của châu Á về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt với điện gió ngoài khơi. Chúng ta cần một cơ chế để các doanh nghiệp trên thế giới đến đầu tư, tin tưởng. Các quỹ trên toàn thế giới đã tìm đến Việt Nam và chúng ta phải tìm cách làm sao để tạo ra ngành công nghiệp mới, một ngành công nghiệp mà theo tôi là lớn hơn hoặc bằng với ngành công nghiệp dầu khí,” ông Đặng Quốc Toản nhấn mạnh.
Khi quy mô hệ thống điện Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong 7-8 năm tới và ước tính cần khoảng 135 tỉ đô la Mỹ để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải từ nay đến 2030. Giai đoạn 2030-2050 nguồn vốn cho phát triển lên đến 399-523 tỉ USD. Thì bên cạnh nguồn vốn tư nhân trong nước, dòng vốn đầu tư quốc tế và tín dụng xanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình năng lượng bền vững tại Việt Nam. Các đại diện đến từ các nhà cấp vốn, các quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng đã có những chia sẻ tại phiên thảo luận “Dòng vốn quốc tế”. Theo ông Vương Thành Long, giám đốc ban Khách hàng doanh nghiệp nước ngoài BIDV, ngân hàng chọn lựa và thúc đẩy chính sách tín dụng xanh, hướng các nguồn lực vốn vào các lĩnh vực xanh như các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, thủy điện, nhiệt điện và các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý rác thải. Theo đại diện BIDV, điều này sẽ giúp tăng dần tỉ trọng tín dụng xanh trong danh mục tín dụng của ngân hàng, tăng nhận thức của khách hàng về bảo vệ môi trường. Và ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào cấp vốn bền vững bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt cho dự án mà ngân hàng cấp vốn ở hiện tại cũng như thời gian tới.
Có thể thấy, không gian phát triển mới của ngành năng lượng đang mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại Việt Nam. Đặc biệt, phát triển năng lượng xanh vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, vừa đảm bảo phát triển bền vững. Chính vì thế, hội nghị đầu tư vào năng lượng tái tạo 2023 đã giúp cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách gặp gỡ và trao đổi thông tin, quan điểm, hướng phát triển trong lĩnh vực này. Từ đó cùng với chính phủ góp phần giải quyết thách thức lớn trong việc cung ứng và sử dụng năng lượng của Việt Nam một cách bền vững và hiệu quả.
HỒNG HẠNH - LÊ HOÀN